Những Cô Gái Ăn Chơi Cầm Đồ Để Chơi Game Hoặc Mua Sắm Không Còn Là Hiện Tượng Lạ

Thắng gấp trước cửa hiệu cầm đồ T.K.L nằm trên đường Tôn Đản (phường 14, quận 4, TP HCM), cô bé mặc quần xanh áo trắng đá chân chống xe rồi thản nhiên tiến vào quầy tháo đôi hoa tai trao cho chủ cửa hiệu.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, ông chủ phán "cầm được triệu mốt thôi cưng" (1.100.000 đồng). Cô bé nằn nì "triệu rưỡi đi chú" rồi thản nhiên cầm tiền cho vào túi quần… Những hình ảnh như thế ngày càng trở nên bình thường tại nhiều cửa hiệu cầm đồ ở TP HCM. Ẩn sau đó là lối ăn chơi bạt mạng đến "mòn" nhân cách của một số cô gái trẻ.

Con nhà khá giả… cũng cầm đồ

Ông Minh là chủ cửa hiệu cầm đồ T.K.L. hơn 5 năm qua. Ông cho biết khoảng 30% khách hàng của ông là sinh viên. "Thường thì nam sinh đem cầm xe máy, điện thoại di động, laptop, đồng hồ. Các nữ sinh ngoài điện thoại di động còn cầm nhẫn, dây chuyền, hoa tai, cà rá (vòng đeo tay bằng vàng)… mà các ông bà bô (bố mẹ) sắm cho. Có điều phần lớn các cháu là con nhà khá giả đấy".


Hình minh họa

Cửa hiệu cầm đồ N.K.V. nằm trên đường Hoàng Diệu (quận 4), khách vào ra tấp nập. Sau khi viết giấy biên nhận và giao số tiền 5 triệu đồng cho cô bé mặt non choẹt, nhưng phấn son lòe loẹt đến "ký gửi" chiếc máy tính xách tay ngoài thị trường giá gần 30 triệu đồng.

Anh K., chủ cửa hiệu, tiết lộ: "Nhóm của con bé này có 4 đứa, quê ở Lâm Đồng, cùng học chung một trường đại học có dính đến 2 chữ "quốc tế". Nghe đâu gia đình con bé này kinh doanh vàng. Mấy đứa trong nhóm nó bố mẹ nếu không phải là cán bộ có chức quyền thì cũng là doanh nhân giàu có. Bởi vậy hàng tụi nó mang đến cầm toàn là hàng chất lượng cao".

Nói về đẳng cấp của những nữ sinh cầm đồ, anh Quyền, người giới thiệu ông Minh, anh K. cho chúng tôi, cũng là chủ hiệu cầm đồ có thâm niên hiện mở tiệm trên đường CMT8 (quận 10), chép miệng: "Tháng trước, một nữ sinh viên năm thứ 2 trường đại học H.B, mối ruột của tôi từ năm lớp 11, đi cùng con nhỏ bạn cưỡi chiếc SH bóng lộn mới đập hộp chưa được tuần lễ đã cầm lấy 20 triệu đồng. 2 tuần sau nó mang đến cọc tiền toàn tờ năm trăm (500.000 đồng) mới cáu đến chuộc xe. Nghe đâu tiền đó do mẹ nó từ nước ngoài gửi về".

"Nô lệ" của game bạo lực và "bệnh" mua sắm

Sau khi đem tài sản thế chấp, các nữ sinh sử dụng số tiền vào mục đích gì? Ông Minh khẳng định: "Các cháu chơi game online đấy. Không chỉ có đám con trai choai choai, đâu mà cả mấy đứa con gái giờ cũng nghiện cái trò chơi bắn giết máu me ấy lắm! Mấy cô bé chơi ngày chơi đêm, chơi sạch cả tiền học phí và để có thể tiếp tục chơi, phải cầm đồ lấy tiền. Có đứa còn to gan bỏ nhà đi bụi, làm thủ lĩnh của nhóm chịu chơi như nó, thuê khách sạn để ở và bắn giết trên mạng".


Sau khi "găm" đôi hoa tai, 2 nữ sinh liền vào tiệm net kẻ chơi game, người dạo quanh các trang mua sắm.

—–
Ông Minh ngán ngẩm cho biết: "Thì hầu như tháng nào cũng có mấy ông bố bà mẹ đến cửa hiệu tôi hoặc chuộc lại laptop, dây chuyền, hoa tai, vòng đeo tay mà tụi nhỏ, đem cầm, hoặc miêu tả hình dáng của ái nữ hỏi nó có từng mang tư trang đến cầm đồ hay không… Có người năn nỉ tôi đừng nhận cầm đồ cho tụi nhỏ bởi nếu có tiền thì tụi nó đổ vào trò chém giết vô bổ trên mạng". Có bận, biết một con bé cầm đồ để lấy tiền chơi game, nhưng tôi vẫn giả vờ hỏi: "Con cầm lấy tiền làm gì?" để dễ lựa lời khuyên bảo. Ai dè vừa dứt câu hỏi, con bé đùng đùng nổi giận, bảo "cha già lắm chuyện, làm gì thì mặc kệ tui" rồi mang sợi dây chuyền sang cầm nơi khác".

Được biết, ngoài chơi game online, không ít nữ sinh còn cầm đồ để thỏa căn bệnh mua sắm. "Xã hội đang hình thành một lớp người trẻ là nô lệ của đồng tiền. Mấy đứa con gái mà tui nhận cầm đồ tiêu tiền như rác. Có đứa mỗi tháng gia đình chu cấp cả chục triệu đồng nhưng vẫn cứ túng thiếu vì mải chạy đua theo đồ hiệu. Hễ có loại thời trang, nước hoa, giày dép, quần áo mới ra lò là tụi nó phải mua bằng được. Khi mua sắm hết tiền hoặc cần tiền để mua món đồ ưng ý, vậy là các ái nữ mang tư trang đi cầm. Sau đó vẽ đủ thứ chuyện như cần tiền đóng học phí, học thêm, giúp bạn bị nạn… để moi tiền gia đình đặng chuộc mấy món đồ đang thế chấp" – anh K chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết, có nhiều nữ sinh còn cầm đồ lấy tiền tiêu vào việc nhảy nhót tại các quán bar, vũ trường. Không ít trường hợp "đốt" vào các spa (chăm sóc sắc đẹp)… Anh Tùng cảnh báo: "Những hành vi ấy là tín hiệu báo động về lối sống ăn chơi bạt mạng không nghĩ đến ngày mai. Nhưng nghiêm trọng hơn là nó mở đường cho những khuyết tật về nhân cách của các em, biến các em trở thành "nô lệ" của động tiền, rất dễ bị bọn xấu lợi dụng, lôi kéo vào những cạm bẫy khôn lường".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

truyen dam