Đại Gia Ăn Chơi Săn Tìm Đàn Gà Chín Cựa

Anh chàng Nguyên Trâu lại còn nói như kiểu đánh đố: “Chúng ta sẽ đi chén lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh. Món này dâng Vua Hùng đấy. Chén món này, chúng ta sẽ làm vua”. Lê Đình Nguyên cười sảng khoái với cái ý nghĩ sắp được ăn lễ vật dâng Vua Hùng.

Ngày cuối năm, đang bận rộn với việc về quê nghỉ ngơi, thì họa sĩ Lê Đình Nguyên (thường gọi là Nguyên Trâu – vì từng có triển lãm về trâu gỗ gây tiếng vang) gọi điện: “Ê, nhà báo. Mai đi xơi lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh nhé!”.

Tôi quen họa sĩ Lê Đình Nguyên đã ngót chục năm nay và rất hiểu tính anh. Chỉ có 2 thứ mà anh quan tâm nhất trong cuộc đời mình, là đẽo trâu và chén món ngon vật lạ.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên đục trâu gỗ.

Nhưng hơn một năm nay, cảm hứng sáng tạo của anh chàng họa sĩ này đã tịt hẳn. Thay vì thả hồn với cây vẽ, với đục, thì anh vác đơn đi kiện. Nhìn cái tướng ông họa sĩ, với mũ vải đội ngược, tóc búi củ hành, cổ đeo nanh hổ, áo in hình đầu lâu, quần thùng thình túi hộp, đi giày da méo mó không tất, cưỡi con xe to đùng với tiếng nổ đùng đoàng, tôi thấy nó chẳng hợp với người đi kiện tí nào cả.

Nhưng Lê Đình Nguyên bảo, không kiện thì không sống được, không vẽ, không đẽo được. Cái bà Giám đốc nhà hát Múa rối Trung ương chẳng đụng chạm gì đến anh, chẳng chèn ép đày đọa anh, nhưng anh không chịu nổi vì bà đuổi việc sai luật người khác.

Anh càng không chịu nổi khi mà theo anh, bà giám đốc chẳng có chuyên môn nghệ thuật gì lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan nghệ thuật và giới họa sĩ ở nhà hát. Sự việc chỉ có dăm thứ bà rằn cũng đã giết chết tâm hồn nghệ thuật của Lê Đình Nguyên.

Một góc bản Cỏi trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Ngay từ năm ngoái, sau khi kết thúc triển lãm Trâu Nguyên, bán những con trâu gỗ với giá hàng chục ngàn USD, Lê Đình Nguyên đã mơ về một con rồng. Anh muốn đẽo một con rồng với thân hình chữ S, con rồng thực sự của nước Việt khao khát bay lên. Nhưng cả năm nay, anh không cầm nổi cây cọ, không nhấc nổi đục. Cảm hứng hết sạch rồi. Chỉ đi uống rượu và chén món lạ thôi.

Tôi rất ấn tượng với cái cảnh Lê Đình Nguyên khoái trá ngồi gác chân lên ghế giữa quán xá lịch sự nơi hà thành vênh mặt rít thuốc, nhả khói. Kiếm được con cà cuống nào là anh lại gọi tôi. Cà cuống nướng tại bàn ăn, dậy mùi thơm lừng, khiến cả quán nhậu ngơ ngác. Chỉ có bia với cà cuống thôi, mà thấy đời như lên tiên.

5 giờ sáng, họa sĩ Lê Đình Nguyên cùng với một số nghệ sĩ đã cười nói toe toét ở bờ Hồ Tây. Rồi chúng tôi lên đường.

Tác giả và một chú gà 6 cựa ở bản Cỏi.

Anh chàng Nguyên Trâu lại còn nói như kiểu đánh đố: “Chúng ta sẽ đi chén lễ vật hỏi vợ của Sơn Tinh. Món này dâng Vua Hùng đấy. Chén món này, chúng ta sẽ làm vua”. Lê Đình Nguyên cười sảng khoái với cái ý nghĩ sắp được ăn lễ vật dâng Vua Hùng.

Mấy anh bạn họa sĩ kia thì ngơ ngác không rõ món gì. Ông đoán là bọ xít, ông đoán dế mèn, ông đoán thịt hổ, ông đoán rùa Hồ Gươm, lại có ông đoán món đặc sản rêu đá ở Phú Thọ.

Tôi cứ tủm tỉm cười coi như không biết, kệ anh họa sĩ già với tâm hồn ngây thơ như đứa trẻ kia được khoái trá với bí mật có một không hai của mình. Nhắc đến mấy chữ lễ vật Vua Hùng thì tôi đã biết ngay là món gì. Voi chín ngà thì kiếm đâu ra, ngựa chín hồng mao cũng chả có, chỉ có gà chín cựa vẫn còn ở núi rừng Xuân Sơn.



Gà mái 6 cựa ở bản Cỏi.

Nhắc đến món gà chín cựa, tôi chợt nhớ lại cái này cách nay đã 10 năm, tập tọe đi viết phóng sự. Hồi đó vẫn đang là sinh viên năm cuối đại học. Tôi và anh bạn cùng lớp, giờ là Công an Phú Thọ, vật lộn với chiếc xe win 100 cả ngày mới đến được Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Ngày đó đường vào Xuân Sơn thật khủng khiếp với đá hộc lởm chởm, đường dốc ngược, vực thẳm hun hút, suối sâu ngập đến yên xe. Năm đó, đường vào Xuân Sơn mới được mở, đại ngàn Xuân Sơn với những bản người Dao, Mường vừa lộ ra khỏi rừng già.

Xã Xuân Sơn nằm toàn bộ trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Khi đó, hổ vừa mới tuyệt chủng, nhưng báo thì vẫn còn nhiều. Trăn mắt võng to như cây chuối treo lủng lẳng trong rừng, suối vẫn còn cá anh vũ tiến vua (giờ giá mấy chục triệu một kg) và đồng bào vẫn giữ nguyên vẹn những tục lệ và hủ tục từ ngàn xưa.

Khách quý mới được gặm những chiếc chân gà này.

Những đứa trẻ sinh ra, nếu chỉ bị một dị tật nhỏ, cha mẹ sẽ đan một cái rổ tre, đặt con vào, rồi treo lủng lẳng trên ngọn cây, để chết vì đói, chết vì khát, chết vì kiến đốt, chết vì thú ăn, trăn nuốt… Thôi thì đủ kiểu chết tê tái cõi lòng.

Những đứa trẻ may mắn được người Kinh vào Xuân Sơn xây dựng kinh tế mới cứu sống, giờ vẫn còn đó như một minh chứng cho hủ tục đau lòng từng tồn tại ở những bản làng cách biệt với thế giới văn minh.

Quay lại chuyện gà chín cựa. Ngày đó, tôi và anh bạn phải cuốc bộ từ trung tâm xã (nói là trung tâm xã cho oai, chứ có mỗi cái trụ sở xã bé tẹo và cái nhà sàn để kiểm lâm ở, tiếp khách) mất nửa ngày mới vào đến bản Cỏi. Chỉ có một con đường rộng ngót một mét, luồn lách trong rừng, với vắt nhiều như vãi trấu. Nghĩ lại mà ghê cả người.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên và “lễ vật của Sơn Tinh”.

Bản Cỏi nằm giữa thung lũng đẹp tuyệt vời, với con suối Cỏi thơ mộng chảy qua. Bao bọc xung quanh là những dãy núi, lúc nào cũng có mây vờn trên đỉnh.

Cuốc bộ vào đến bản thì đêm tối mịt mùng vây quanh. Trưởng bản Lý Phúc Lâm bảo: “Hầy dà, lâu lắm mới thấy có người Kinh vào bản ta chơi, vui phải biết. Tối nay ở nhà ta uống rượu, rồi ngủ nghỉ lại. Người Dao ta nghèo, nhưng tấm lòng rộng mở. Thung lũng Cỏi nhiều gà, nhiều lợn, nhiều rau, nhiều thóc, nên không sợ đói đâu. Ở lại bao nhiêu ngày cũng được”.

Mấy chén rượu nồng đã tây tây, thì bà vợ ông trưởng bản bê lên một đĩa thịt gà bốc khói nghi ngút. Ông Lâm trịnh trọng dùng tay nhặt cho tôi một cái chân và cho anh bạn Nguyễn Kiên Cường một cái.

Cái thứ gà leo núi thì chân có mà dai như dây thừng. Nhưng tục lệ bản Dao tiếp khách quý bằng chân gà, nên tôi xúc động lắm.


Cầm chiếc chân gà đưa lên miệng, tôi dụi mắt mấy lần, nhưng nhìn vẫn ra 4 cái cựa. Tôi tưởng mình say rượu hoa mắt, nhưng không phải, chính xác là một cái chân gà mà có tới 4 cựa, 2 chân thì là 8 cựa. Tôi đếm đi đếm lại vẫn ra con số đó.

Khi đó, nghĩ rờn rợn, nhưng chủ nhà quý, thì phải nhiệt tình, nên tôi gặm hết cả mấy cái cựa. Miếng thịt của con “gà quái thai” ngon, dai, ngọt tận chân răng. Đúng là gà núi, gà đồi, gà nuôi trên mây có khác.

Cơm no rượu say rồi, tôi mới hỏi ông trưởng bản rằng: “Con gà của bác hình như nó bị nhiễm cái loại chất độc mà người dưới xuôi gọi là dioxin bác ạ. Gọi là chất độc da cam cũng được”.

Ông Lâm cười rung cả căn nhà sàn bên con suối nước chảy âm âm. Ông bảo: “Người Kinh tưởng ta không biết cái thứ chất độc ấy sao. Ta đã từng đi bộ đội, đánh nhau sống mái ở vùng giặc Mỹ rải chất độc da cam ấy chứ. Gà của ta không phải gà quái thai đâu, gà xịn đấy. Nó có nhiều cựa lắm”.

Sớm hôm sau, vừa ra khỏi chăn, việc đầu tiên của tôi là xông ra chuồng gà. Vợ ông Lâm đang vãi ngô cho gà ăn, rồi mở chuồng cho chúng chạy túa lua lên đỉnh núi, vào rừng tự kiếm mồi. Tôi nhìn kỹ từng chân tên gà một, tên nào tên nấy có cả chùm cựa…

Vị đại gia này đã mổ chú gà 9 cựa vào dịp giao thừa năm ngoái. Anh đặt lên ban thờ tổ tiên mời các cụ thụ trước, rồi mới đánh chén. Xơi gà 9 cựa rồi, thì coi như đã thành… vua!

Trên đường du ngoạn lên Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) ăn lễ vật của Sơn Tinh, bao cảm xúc của chuyến vào rừng từ 10 năm trước ùa về, với những kỷ niệm về rừng rú khó có thể quên.

Mặc dù phát hiện ra giống gà nhiều cựa (thôi thì cứ gọi là gà 9 cựa) từ 10 năm trước, nhưng quả thực, Xuân Sơn có nhiều thứ thú vị quá, nên khi đó tôi chẳng có liên hệ gì với ông Vua Hùng thứ 18 cách đây hàng ngàn năm. Ngày tôi khám phá hang động, núi non, đêm theo trai bản đi ngủ thăm ở nhà các sơn nữ.

Bản Cỏi như tiên cảnh.

Rồi câu chuyện về món “gà quái thai” giữa đêm tối bịt bùng Xuân Sơn cũng rơi vào quên lãng. Cho đến một ngày, cách nay chừng 5 năm, anh bạn đồng nghiệp Đinh Vũ của tôi ở Báo Phú Thọ vào bản Cỏi, cũng được ông Lâm đãi món thịt gà, cũng được ông trân trọng gắp cho đôi chân có cả chùm cựa.

Thế là, thứ gà 9 cựa của Vua Hùng đã nổi tiếng ầm ĩ. Các nhà báo thi nhau kéo lên tìm hiểu. Gà 9 cựa sôi sục trên mặt báo. Đã có không biết bao nhiêu bao nhiêu nhà nghiên cứu lên Xuân Sơn, không biết bao nhiêu cuộc hội thảo để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử giống gà, đánh giá thực trạng và tìm biện pháp bảo tồn. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng rơi sạch vào quên lãng.

Chú gà mới nở đã mọc 6 cựa dài ngoằng.
Chuồng ấp gà 9 cựa.

Thậm chí, nhiều đại gia ở Việt Trì đã thực hiện giấc mơ làm giàu bằng gà 9 cựa. Nhiều anh đã đầu tư trang trại hàng tỷ đồng rồi mua nửa số gà trong bản Cỏi đem về thả, rồi cứ ao ước rằng, trăm con gà kia sẽ đẻ ra ngàn con, ngàn con sẽ đẻ ra vạn con… Cứ theo cấp số nhân mà tính, giống gà 9 cựa ấy sẽ đem về cho chủ gia trang cả núi vàng.

Mơ ước của các ông chủ gia trang chẳng phải viển vông. Con gà 9 cựa kia cũng chỉ ăn ngô, ăn thóc như giống gà khác thôi mà, trong khi giá trị của nó thì rất lớn.

Đàn gà 9 cựa nhà cựu trưởng bản Cỏi Lý Phúc Lâm

Nhưng rồi, tất cả các dự án nuôi gà 9 cựa đều thất bại, bởi vì giống gà ấy hễ ra khỏi rừng Xuân Sơn là héo hon dần và… chết. Điều này thật lạ lùng, nhưng nó cũng là lời lý giải vì sao không đâu khác, chỉ núi rừng Xuân Sơn, chỉ cái bản Cỏi heo hút giữa đại ngàn, giữa những dãy núi điệp trùng kia mới có loại gà kỳ dị.

Ngày giáp tết dương lịch, các cơ quan được nghỉ mấy ngày, nhưng đường vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn tịnh không có bóng xe chạy qua lại. Trung tâm xã vắng hoe. Khung cảnh yên bình của Xuân Sơn đúng là thần tiên.

Họa sĩ Nguyên Trâu đuổi bắt gà 9 cựa.

Đường vào bản Cỏi giờ ô tô đã chạy bon bon, xuyên qua những tán rừng với những thân cây mấy người ôm. Thung lũng Cỏi hiện ra như trong cổ tích. Bản người Dao thanh bình ẩn hiện bên con suối Cỏi nước chảy ào ào.

Ông Lý Phúc Lâm giờ không làm trưởng bản Cỏi nữa. Ông đã già, nên giao lại công việc ấy cho người khác. Ông chỉ chuyên tâm vào việc nuôi nấng, chăm sóc, nhân giống loài gà 9 cựa.

Ông Lâm hướng mặt về phía ngọn núi chìm trong mây mù sau nhà, tru “mỏ” cất tiếng “túc túc…túc túc…”. Một lát sau, vài tên gà te tua chạy về. Ông vãi ngô ra sân, chúng giáng cái mỏ côm cốp xuống nền gạch nhặt ngô. Tôi ngó mãi cũng không thấy chú gà 9 cựa nào, chỉ có 6 cựa. Giống gà này ở bản Cỏi, dù chân chúng có 6 cựa, 8 cựa thì cũng đều được gọi bằng cái tên chung là gà 9 cựa.

Họa sĩ Nguyên Trâu sung sướng khi tóm được chú gà 9 cựa.

Sáng nào cũng vậy, ông Lâm đều mở chuồng cho bọn gà vào rừng tự kiếm ăn. Cứ đến nhập nhoạng tối là chúng tự mò về chuồng. Đêm rắn rết mò ra, hùm beo mò về, cáo chồn đi kiếm ăn, nên bọn gà chả dại gì ngủ trong rừng. Trời chưa tối, có gọi thế nào chúng cũng không về. May ra có vài tên ngại vào rừng kiếm ăn, vơ vẩn gần nhà thì mò về theo tiếng gọi mà thôi.

Nhà ông Lâm có tới 300 tên gà nhiều cựa. Giá cả giống gà này thì vô cùng. Gà 6 cựa giá 300 đến 500 ngàn đồng một kg, gà 8 cựa thì khá hiếm, nên giá phải từ 2-3 triệu đồng/kg. Như vậy, một chú gà 8 cựa, cũng có giá 5-10 triệu đồng tùy cân nặng nhẹ.

Gà có đầy đủ 9 cựa thì hiếm lắm, hiếm như loài báo gấm sắp tuyệt chủng trong rừng Xuân Sơn. Những chú gà mang đủ 9 cựa phải được ghi vào sách đỏ chứ nhỉ?

Nửa đêm bế gà ra bờ Hồ Tây… chụp ảnh!

Từ xưa đến nay, số gà có đủ 9 cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nhà nào sở hữu gà 9 cựa, thì chả khác nào có được con gà bằng vàng ròng. Với con gà đủ 9 cựa, gia chủ có thể phát giá thoải mái, đại gia nào có thú sưu tầm của lạ, sẽ sẵn sàng mua với bất kể giá nào.

Theo ông Lâm, người dưới xuôi lên đây săn tìm gà 9 cựa ráo riết lắm. Họ đặt cả chục triệu cốt để tìm được một con gà đủ 9 cựa. Ông bảo, có lẽ, đến cả trăm triệu đồng cho một con gà người ta cũng sẵn sàng mua. Thực tế, đã có đại gia cây cảnh siêu giàu ở Việt Trì mà tôi thân quen đã chi 100 triệu đồng để có được một chú gà 9 cựa từ tay một con buôn.

Dù là “vua” gà 9 cựa, song ông Lý Phúc Lâm vẫn rất nghèo.

Vị đại gia này đã mổ chú gà 9 cựa vào dịp giao thừa năm ngoái. Anh đặt lên ban thờ tổ tiên mời các cụ thụ trước, rồi mới đánh chén. Xơi gà 9 cựa rồi, thì coi như đã thành… vua! Hiện anh vẫn giữ đôi chân gà với một chân 5 cựa, một chân 4 cựa trên bàn thờ làm kỷ niệm và khách đến chơi không quên đem ra khoe. Đôi chân gà để cả năm nay vẫn sáng hồng như mới luộc, rất kỳ lạ.

Với đồng bào bản Cỏi, số tiền 100 triệu đồng cho một con gà quả là khủng khiếp, nhưng với các đại gia, dù tốn một trăm triệu hay một tỷ đồng, mà được chìm trong cảm giác làm vua, thì cũng không đáng gì. Phú quý sinh lễ nghĩa là vì thế.

Đang miên man với những câu chuyện giá trị trời ơi của gà chín cựa, tôi chợt nhìn lại cơ ngơi của vợ chồng “vua” gà 9 cựa Lý Phúc Lâm. Rõ ràng ông Lâm sở hữu không những nhiều giống gà này nhất bản Cỏi, mà có lẽ còn nhất Việt Nam. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, chẳng thấy có thứ gì giá trị. Chuyện thật khó hiểu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

truyen dam